Khởi Nguồn Văn Hóa Uống Cà Phê – Kỳ Cuối
Để tóm tắt lại cả 4 kỳ của loạt bài khởi nguồn văn hóa uống cà phê, mình có tìm thấy một Youtube video ngắn khoảng 5 phút, tổng hợp và trình bày khá hay về lịch sử của cà phê. Chúng ta rất khó để biết chính xác chuyện gì đã xảy ra trong lịch sử, nhưng nhờ có những truyền thuyết và chuyện kể, giới yêu thích cà phê ngày nay có thể phần nào hiểu được một chút về nguồn gốc của thứ hạt gây nghiện cao này 🙂
Dành cho các bạn chưa nghe được trực tiếp bằng tiếng Anh, phía dưới video mình có tổng dịch các ý chính để các bạn dễ nắm hơn nhé.
Video: Lịch Sử Cà Phê Giải Thích Trong 5 Phút
Tóm tắt nội dung video:
Truyền Thuyết Sự Khám Phá
Truyền thuyết kể rằng, vào khoảng thế kỷ thứ 9 hoặc 10, một anh du mục (có văn bản ghi là anh chăn dê tên là Kaldi) ở Ethiopia phát hiện ra một loại quả mọng mà khi động vật ăn vào thì trở nên tăng động một cách kỳ lạ. Thế là anh ta cũng bắt chước ăn thử xem sao. Bằng cách nào đó mà anh rang và nấu hạt trong nước sôi, và thế là tách cà phê đầu tiên trên thế giới ra đời. Sau khi uống xong thì anh trở nên tràn đầy năng lượng; anh hào hứng đi khoe với tất cả mọi người để họ dùng thử theo anh. Mọi người uống thử xong thì thấy thích quá và phong thánh cho anh luôn!
Vào thời đó, gần như không có ai hiểu biết gì về tác dụng của các loại hóa chất khác nhau lên cơ thể người. Vì vậy mà các nhà sư Sufi của Gemini coi cà phê như một thứ nước thần bí.
Đến khoảng năm 1414, cà phê không chỉ được uống phổ biến tại nhà mà còn ở trong nhiều quán cà phê công cộng trên thánh địa Mecca. Khách tới quán không chỉ để uống cà phê tán gẫu, mà còn nghe nhạc, xem biểu diễn nghệ thuật quần chúng và chơi cờ vua trong quán. Và với hàng trăm ngàn người hành hương đến thánh địa Mecca mỗi năm, cà phê từ đó nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Các quán cà phê mọc lên khắp nơi ở những thành phố khác như Cairo và thành phố Istanbul – lúc đó đang là đế đô của Đế Chế Ottoman.
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 16, cà phê phổ biến đến mức những nhà Chính Thống Giáo Imam thủ cựu cố gắng mọi cách để cấm sự phát triển không ngừng của văn hóa uống cà phê. Sultan Đế Chế Ottoman lúc đó là Suleiman đệ Nhất phủ quyết lệnh cấm này và chấp nhận cho cà phê cũng như quán cà phê được tiếp tục lưu hành tự do, hợp pháp.
Cà Phê Ở Châu Âu
Giữa thế kỷ 17, cà phê vượt đại dương đến châu Âu nhưng lại không được chấp nhận. Người châu Âu sợ thứ nước ngoại đạo này và thậm chí còn gọi cà phê là “phát minh đắng nghét của quỷ dữ” (bitter invention of Satan). Giới tăng lữ địa phương cũng nghiêm cấm cà phê khi nó vừa được mang vào Venice năm 1650. Cuộc tranh cãi xoay quanh cà phê căng thẳng đến mức Giáo Hoàng Clement VIII phải can thiệp. Giáo Hoàng sau khi uống thử cà phê lần đầu tiên trong đời, ngài thích nó tới mức ngài ban phúc thánh cho cà phê luôn (Các bạn xem lại Kỳ 3 để đọc thêm chi tiết về sự kiện này nhé.)
Quán cà phê sớm trở thành trung tâm của xã hội cộng đồng ở những nước như Anh, Áo, Pháp, Đức và Hà Lan. Chỉ trong thành phố London lúc đó đã có hơn 300 quán cà phê. Giá của một tách cà phê thời bấy giờ chỉ tốn có 1 xu. Dần dà, cà phê trở thành thức uống buổi sáng thịnh hành nhất, thay thế cả bia và rượu cộng lại (hai món này thời đó còn được tiêu thụ nhiều hơn nước lọc bình thường!). Một điểm đáng lưu ý là sự thịnh hành của cà phê xảy ra gần như cùng lúc với sự phát triển của Thời Đại Ánh Sáng (Age of Enlightment).
Cà Phê Vượt Biển Đến Châu Mỹ
Cũng cùng thời điểm này, cà phê băng Đại Tây Dương và đổ bộ vào New Amsterdam (sau này được người Anh đổi tên thành New York). Nhưng có một vấn đề nan giải: cà phê lúc đó vẫn chỉ đang được trồng ở Ả Rập, và chi phí vận chuyển đến Tân Thế Giới là cực kì cao. Do đó, vào năm 1723, một vị đại úy hải quân người Pháp tên Gabriel Mathieu de Clieu lấy cây cà phê giống và mang nó an toàn tới đảo Martinique của vùng Carribean. Người ta cho rằng đây chính là mẹ đẻ của toàn bộ cây cà phê trồng ở lục địa châu Mỹ. Tới năm 1773, trà nhập khẩu bị đánh thuế rất cao theo lệnh vua Geogre đệ Tam và từ đó Đảng Trà (the Tea Party) được thành lập. Vì vậy mà người Mỹ đã quyết định tiêu thụ cà phê thay cho trà. (Chi tiết của phần này các bạn xem lại kỳ 2 của loạt bài nha.)
Đến thế kỷ thứ 18 thì cà phê đã chính thức trở thành một trong thức uống phổ biến và có lời nhất thế giới!
Cảm ơn các bạn đã theo dõi loại bài Khởi Nguồn Văn Hóa Uống Cà Phê do mình nghiên cứu, tổng hợp và phỏng dịch. Các bạn có thể xem lại các kỳ trước bằng các links dưới đây nhé: