Image Alt

Gaia Cafe Vietnam

Cà Phê Pour Over Là Gì?

Là một đại diện tiêu của làn sóng cà phê thứ 3 – Cà Phê Nghệ Thuật Thủ Công (Artisan Coffee), cà phê Pour Over là phương pháp pha chế thủ công (manual brewing) bao gồm cà phê xay kích cỡ thô vừa (medium coarse), phễu, giấy lọc, và bình chứa. Về mặt kỹ thuật thì Pour Over có nguyên lý hoạt động tương tự như cà phê phin của Việt Nam mình.
Cà Phê Pour Over và Cà Phê Phin Việt Nam?
Khác biệt lớn nhất giữa phương pháp Pour Over và cà phê phin Việt Nam nằm ở kích cỡ hạt xay và quy trình đổ nước nóng vào bộ lọc. Cụ thể là: 
  • Cà phê phin Việt Nam: Xay kích cỡ mịn (fine) hoặc mịn vừa (medium fine). Cà phê sẽ được ủ bằng một ít nước nóng trước cho nở, sau đó nước nóng sẽ được đổ đầy vào phin; sau đó mới chờ cho cà phê chiết xuất ra hết.
  • Cà phê Pour Over: Xay kích cỡ thô vừa (medium coarse). Nước nóng sẽ được đổ từ từ, chậm rãi vào phễu; cà phê xuống tới đâu thì nước nóng đổ thêm tới đó.
Tại Sao Pour Over Lại Tiêu Biểu Cho Làn Sóng Cà Phê Nghệ Thuật Thủ Công?
Thoạt nghe thì có vẻ đơn giản, cà phê Pour Over không phải là phương pháp pha chế thủ công cho barista lơ tơ mơ. Tay nghề không vững, baristas sẽ không kiểm soát được nhiệt độ nước và tốc độ rót nước vào phễu lọc, mà đây lại là hai yếu tố quan trọng quyết định một trăm ly pour over ngon như nhau hay dở nhiều kiểu. 
 
Bởi vì cách pha đơn giản nên toàn bộ tinh túy của hương và vị hạt cà phê sẽ được bộc lộ hoàn toàn, không che giấu đi đâu được. Nếu bạn được tặng hoặc vừa mua hạt cà phê Ethiopia, Kenya, Sumatra hay Arabica Cầu Đất thì đầu tiên bạn nên pha một ly Pour Over để có thể thưởng thức trọn vẹn sự tinh tế của hạt cà phê. Cà phê Pour Over nên được uống ngay khi vừa pha chế, còn hơi nóng và không pha thêm sữa hay đường gì vào, nếu không, những tầng hương vị tự nhiên rất nhẹ sẽ bị hoàn toàn lấn át bởi vị béo của sữa hay vị ngọt của đường. 
Khởi Nguồn Của Cà Phê Pour Over
Mặc dù cách pha này đã tồn tại hằng trăm năm trước, phương pháp pha như chúng ta biết hiện nay chỉ thực sự được phát triển mạnh mẽ khi bà Melitta Bentz phát minh ra phễu lọc bằng giấy vào khoảng đầu thế kỷ 20. Trước khi có giấy lọc, mọi người gặp nhiều khó khăn để giữ cà phê xay không bị rơi xuống lẫn vào cà phê sau khi pha do bộ lọc chủ yếu làm từ vải lanh hoặc vải thô. Bộ lọc vải không thể giữa toàn bộ cà phê xay trong quá trình pha chế được, mà lại còn rất khó giặt sạch. Cho đến năm 1908, khi bà Melitta Bentz thử lấy giấy thấm của con trai bà để pha cà phê thì phương pháp lọc bằng giấy mới được phát hiện. Do phần lớn các cách pha cà phê hiện đại hơn sau này đều phải dựa vào một bộ lọc nào đó, phát hiện bộ lọc giấy của bà Bentz góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các phát minh mới mẻ trong pha chế cà phê hiện nay.
Nguồn: Phỏng dịch từ trang Roasty Coffee.