Phương Pháp Chế Biến Cà Phê Kiểu “Mật Ong” Là Gì?
Phương pháp xử lý cà phê kiểu “mật ong” (honey processing) còn có một tên khác phổ thông hơn là bán ướt (semi-washed). Vậy thì liên quan gì đến mật ong nhỉ?
Hạt cà phê trước khi rang thực ra chính là nhân của trái cà phê. Và để trở thành ly cà phê chúng ta thấy mỗi ngày sau quá trình rang xay thì cần phải được xử lý tách vỏ. Lớp vỏ ngoài và lớp nhầy của trái cà phê sẽ được lột tách khỏi nhân bằng một trong hai cách phổ biến nhất thế giới là:
- Dùng nước để tách (phương pháp ướt – washed method) và
- Phơi nắng trái cho khô rồi dùng máy tách (phương pháp tự nhiên/khô – natural/dry method).
Phương pháp chế biến mật ong ở giữa hai phương pháp trên nên mới có tên là bán ướt. Lớp vỏ ngoài của trái cà phê được lột bỏ nhưng một phần lớp thịt nhầy (mucilage) vẫn còn được giữ lại để tiếp tục quá trình phơi khô. Mọi người tham khảo hình cấu tạo trái cà phê trong album nàyđể xem lớp thịt nhầy là nằm ở đâu nhé.
Và do ở trái chín mọng lớp thịt nhầy cực kì ngọt và nhớt, giống như mật ong vậy, nên phương pháp bán ướt mới được đặt một cái tên mỹ miều hơn là phương pháp mật ong.
Nếu không, có lẽ thế giới đã phải gọi cách chế biến này là phương pháp xử lý lớp nhầy rồi. Nghe xong chẳng có ai muốn uống luôn.
Như vậy, phương pháp này không phải là trộn mật ong vào cà phê. Và cũng không phải là cà phê chế biến theo cách này sẽ có hậu vị của mật ong. Tuy nhiên, hầu hết các loại cà phê được chế biến kiểu mật ong này sẽ có hậu ngọt khá đặc trưng hơn hẳn loại hạt được xử lý bằng phương pháp ướt hoặc phương pháp sinh học tự nhiên.