Lưu Trữ Cà Phê Tại Nhà Tối Ưu Nhất
Cà phê sau khi rang xong, và nhất là sau khi xay xong, sẽ tiếp tục nhả khí CO2 có sẵn bên trong cấu trúc hạt. Chính khí này là thứ tạo nên lớp crema dày cho espresso khi vừa pha – hạt càng mới, khí CO2 càng nhiều thì lớp creme càng dày và đều. Càng để lâu, khí CO2 thoát ra càng nhiều thì hạt càng cũ, làm mất đi hương vị và mùi thơm nguyên bản đặc sắc của cà phê.
Giống như các loại thực phẩm khác, cà phê cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố môi trường là:
- Nhiệt độ – Biên nhiệt độ lớn (sự chênh lệch nhiệt độ lớn) và biến đổi thường xuyên
- Ánh sáng – Ánh nắng trực tiếp chiếu vào cũng làm cà phê mau cũ
- Không khí – Tiếp xúc lâu trong không khí sẽ khiến cà phê bị oxi hóa nhanh và mất đi mùi vị (đó là lý do vì sao cà phê thường được dùng để khử mùi cho nhà, tủ lạnh, etc.)
- Độ ẩm – Bản thân cà phê sau khi nhả khí CO2 cũng đồng thời sẽ hấp thụ độ ẩm của môi trường xung quanh
Trong điều kiện không tối ưu, mùi, vị, hương của cà phê sẽ bị biến chất đáng kể. Do đó, nếu bạn không có điều kiện trữ cà phê hạt để xay tới đâu uống tới đó, mà buộc phải mua cà phê rang xay với số lượng lớn để trữ sẵn ở nhà, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội mua bán rất khó khăn này, bạn cần lưu ý các cách lưu trữ sau để đảm bảo độ tươi lâu nhất cho cà phê.
1. Lưu Trữ Trong Bao Bì Gốc
(Đánh giá hiệu quả: 8/10)
Bao bì cà phê tốt nhất nên có đầy đủ các yếu tố sau:
- Zipper để gài miệng túi lại dễ dàng và kín khí
- Van một chiều để khí CO2 có thể thoát ra ngoài mà không bị bí lại trong túi, đồng thời không khí bên ngoài không thể đi ngược lại vào trong. Khi gài miệng zipper lại thì túi cà phê sẽ hoàn toàn được kín khí. Càng tiếp xúc với không khí lâu thì cà phê sẽ bị oxi hóa càng nhanh; cà phê lúc đó sẽ bị cũ rất nhanh.
- Thân túi bằng chất liệu dày, tối thiểu có 2 lớp, bên trong có một lớp nhôm hoặc chất liệu khác đảm bảo không bị ánh sáng chiếu vào liên tục
Thực tế thì không phải bao bì cà phê nào cũng có zipper sẵn, do yếu tố thẩm mỹ của thương hiệu hoặc các lý do nào đó. Bạn vẫn có thể đựng cà phê trong bao bì gốc đó và gấp miệng túi thành nhiều lần rồi kẹp chặt lại. Cách này cũng hiệu quả không kém, với điều kiện là túi phải có được một cái van thoát khí một chiều.
Ngoài ra, ở các thị trường nước ngoài như Mỹ còn có các sản phẩm cà phê đựng trong hũ nhựa lớn. Mua được loại như vậy thì bạn nên giữ hộp đựng lại, tái sử dụng để trữ cà phê hoặc các loại thực phẩm khác rất tối ưu luôn nha.
2. Trong Keo / Lọ Thủy Tinh hoặc Nhựa Kín Khí
(Đánh giá hiệu quả: 6.5/10)
Như mình đã viết ở trên, đồ đựng cà phê phải càng kín khí càng tốt. Tuy nhiên, gần như các hũ / lọ / keo thủy tinh hoặc nhựa đều trong suốt. Tức là ánh nắng trực tiếp vẫn có nguy cơ ảnh hưởng lên cà phê đang trữ trong đồ đựng.
Vì vậy, nếu bạn trữ cà phê trong các đồ đựng này thì nên để nó trong tủ hoặc ở vị trí tối và mát mẻ, không có ánh nắng chiếu hay hắt vào nhé. Tránh để những đồ đựng này ở gần cửa sổ, bếp, lò nướng, etc.
Nhưng do sự kín khí này nên CO2 từ cà phê đã được xay vẫn bị bí và không có đường thoát ra, nên bạn chỉ đựng một lượng cà phê vừa đủ trong đồ đựng và không nên trữ lâu quá 1 tuần nha.
3. Trong Hộp Thiếc
(Đánh giá hiệu quả: 6/10)
Trong trường hợp gấp quá mà ở nhà không có các lựa chọn trên, bạn có thể sử dụng hộp thiếc đựng trà cũ hoặc hũ thiếc đựng sữa bột cũ cũng được nhé. Đây là giải pháp tạm thời chứ không phải tối ưu; nếu tốc độ tiêu thụ của bạn là 1 tuần hết 1 hộp thì cũng tạm chấp nhận được. Và tái sử dụng đồ đạc trong nhà là một việc nên làm nữa.
Lựa chọn này ít tối ưu hơn lựa chọn trên đơn giản vì nắp hộp thiếc không thể kín khí bằng nắp có zoăng của hũ / keo thủy tinh. Điểm mạnh của hũ thiếc so với thủy tinh nằm duy nhất ở chỗ hộp thiếc ngăn cản ánh sáng trực tiếp chiếu vào cà phê tốt hơn khi để ở bất kì đâu.
Lưu Ý: Cà phê đã được xay tuyệt đối không được trữ trong tủ lạnh. Vì cà phê cũng có tính năng khử mùi, hút ẩm rất cao nên để cà phê trong tủ lạnh chỉ giúp tủ lạnh bớt hôi thôi, chứ vị và hương của cà phê sẽ biến chất hoàn toàn luôn.
Gaia dặn dò